Khẩu trang tăng giá chóng mặt giữa đại dịch virus Corona: Hành động của Bộ Y tế

·

Spread the love

Trước tình trạng giá khẩu trang tăng giữa lúc dịch virus Corona đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã vào cuộc và có các chỉ đạo để xử lý.

Cảnh tượng người dân cầm tiền trên tay chen lấn, xô đẩy nhau để mua khẩu trang ngày 31/1 tại Hà Nội. (Ảnh: Hồng Phú)

Ngày 31/1, nhiều người dân cầm tiền sẵn trên tay, tranh nhau mua hộp khẩu trang tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc Hapulico, Hà Nội.

Theo ghi nhận, do lượng tiêu thụ khẩu trang quá lớn nên nhiều cửa hàng đồng loạt treo biển hết hàng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít trường hợp “găm hàng” để đẩy giá khẩu trang lên cao.

Phía ngoài toà nhà Hapulico, Hà Nội, nhiều người cũng rao bán khẩu trang với giá 300.000 đồng/1 hộp 50 chiếc khẩu trang, loại do Nhật sản xuất.

Trước những cảnh tượng này, nhiều người cho rằng, khẩu trang khan hiếm là do các doanh nghiệp đầu cơ, gom hàng.

Trả lời tại buổi họp báo chiều 31/1, ông Nguyễn Tử Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, trang thiết bị phòng chống dịch gồm có các nhóm như: Monitor, khẩu trang, găng tay, kính…

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Tử Hiếu cho biết, Vụ đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế, gửi công văn cho các doanh nghiệp sản xuất (khoảng 40 doanh nghiệp) về việc chủ động sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho các cơ sở y tế để phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị sản xuất, đảm bảo bình ổn giá; không đầu cơ, gom hàng; nâng cao trách nhiệm, đạo đức trong kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị quản lý thị trường kiểm tra giám sát, xử lý những đơn vị lợi dụng tình hình dịch để nâng giá, “chặt chém” người dân.

Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cũng mong muốn, thời gian tới, cơ quan truyền thông, báo chí, tuyên truyền cho người dân, giảm tình trạng gom hàng, nhất là khẩu trang y tế, gây thiếu hàng trong thời gian vừa qua.

Trước câu hỏi, Việt Nam có sự cung ứng trang thiết bị phòng chống dịch cho Trung Quốc, ông Hiếu khẳng định: “Việt Nam không hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Trung Quốc. Chúng tôi đã gửi công văn cho các đơn vị sản xuất trong nước, đánh giá năng lực sản xuất, số lượng hàng tồn kho và đốc thúc báo cáo. Rất nhiều đơn vị sau Tết chưa đi vào sản xuất”.

Để tránh tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế (khẩu trang), Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế yêu cầu các đơn vị chủ động sản xuất sau Tết. Chỉ đạo đơn vị sản xuất chịu trách nhiệm đảm bảo bình ổn giá, liên quan đến khâu bán cho các đối tượng đầu cơ, gom hàng tăng giá, xuất khẩu cho các nước khác.

Chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung cho các cơ sở y tế phòng chống dịch, rồi sau đó đáp ứng như cầu trong nước.

Đề nghị cơ quan chức năng đội QLTT các tỉnh, thành phố phối hợp kiểm tra giám sát, xử phạt, tránh tình trạng nâng giá quá cao, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang thời gian qua.

Nguồn: https://www.24h.com.vn/

You may also like...