Giật mình với con số rượu bia đàn ông Việt uống mỗi lần đi nhậu

·

Spread the love

Bộ Y tế cảnh báo, 44% nam giới Việt uống rượu bia ở mức có hại, 6 lon bia, 6 chén rượu trong một lần uống.

Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị triển khai luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cảnh báo, so với thế giới, mức tiêu thụ rượu bia, tỷ lệ sử dụng rượu bia, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở mức có hại ở Việt khá cao. Bình quân nam giới Việt Nam trong một năm tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên chất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 29 thế giới.

Ảnh minh họa: Internet

Đặc biệt là tỷ lệ sử dụng ở mức có hại: 44% nam giới nước ta sử dụng rượu bia ở mức có hại, 6 lon bia, 6 chén rượu trong một lần uống. Tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng rượu bia cũng ở mức báo động.

Ảnh hưởng đối với sức khỏe của rượu bia rất khó đong đếm. Vấn đề là làm thế nào để giảm thói quen có hại này. Trong khi nguồn lợi kinh tế thu được từ ngành hàng này cũng rất cao 50.000 tỷ đồng/năm. Song tổn thất về kinh tế do rượu bia cũng chiếm đến 1% GDP.

Bà Trang cũng chia sẻ vấn đề được ưu tiên để giảm tác hại của rượu bia là giáo dục và truyền thông. Mục đích giảm tính sẵn có của rượu bia để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai tiếp cận với rượu bia.

“Sử dụng rượu bia đã là thói quen hàng trăm nay của người dân nên khó thay đổi. Nó gây tác hại lâu dài nên hướng tiếp cận là thế hệ trẻ, giảm tuổi bắt đầu sử dụng rượu bia, giảm tiếp cận của giới trẻ với sản phẩm”, bà Trang nói.

Trước thông tin, lo ngại rằng việc sử dụng một số loại trái cây như sầu riêng, nho… cũng dẫn tới kết quả nồng độ cồn.

Điều này có thể gây nhầm lẫn trong việc xử phạt người tham gia giao thông khi mà từ ngày 1-1-2020 tới đây, quy định cấm hoàn toàn người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.

Tuy nhiên, bà Trang cho rằng trong các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng… dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể.

Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ để đưa ra được luật Phòng chống tác hại của rượu, bia Bộ Y tế đã mất 7 năm chuẩn bị. Không phải ai cũng nhận thức được tác hại của rượu bia với sức khỏe. Nhiều vụ tai nạn giao thông trong thời gian vừa qua liên quan nhiều đến sử dụng quá mức rượu bia.

“Rượu thực chất là chất cồn kích thích người uống không kiểm soát được hành vi của mình. Rượu vào lời ra, xô xát, cãi nhau, đánh nhau, thậm chí là các hành vi xâm hại khác, kể cả xâm hại trẻ em”, Bộ trưởng Tiến nói.

Ngoài ra tác hại của rượu bia còn là các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch… Các bệnh không lây nhiễm chiếm đến 73% nguyên nhân tử vong các loại.

“Đây là một trong những luật khó làm vì có tính xung đột lợi ích, giữa nhà làm luật và các đối tác khác. Những người làm công tác chăm sóc sức khoẻ như chúng tôi đã rất vất vả, nhiều phen căng thẳng vì xung đột”, Bộ trưởng Tiến thừa nhận.

Quốc hội thông qua luật vào cuối tháng 6 vừa rồi và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo Bộ trưởng Tiến vấn đề là làm sao luật đi vào hiện thực cuộc sống. Với sự ra đời của luật phòng chống tác hại của thuốc lá, hiện nay nhiều người đã sợ hút thuốc lá, thói quen hút thuốc ở nơi công cộng, nhà hàng… đã thay đổi nhiều.

Nguồn:  https://www.24h.com.vn/

You may also like...